Từ rất nhiều năm qua, các nhà quản trị đã nhìn thấy được tầm quan trọng của nhân sự và nguồn nhân lực chất lượng cao. Những cuộc thảo luận đều xoay quanh chủ đề sự ảnh hưởng của nó tới sự thành công của doanh nghiệp và làm thế nào để tuyển dụng, giữ chân nhân tài. Dưới đây là những KPIs mẫu cho nhân sự mà bạn hoàn toàn có thể áp dụng triển khai cho đội ngũ của mình.
Các KPIs mẫu cho nhân sự - KPIs về phúc lợi
Tỉ lệ chi phí lao động
Tỉ lệ này được đo lường bằng tổng chi phí nhân sự bao gồm cả lương, thưởng, phúc lợi chia cho tổng tất cả các chi phí trong công ty trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn có thể đo theo tháng, quý, năm hoặc trong một khoảng thời gian vài năm.
Hệ số cạnh tranh tiền lương (SCR – Salary Competitiveness Ratio)
Được đo lường nhằm so sánh khả năng cạnh tranh về lương và các phúc lợi của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh cùng ngành. Bạn có thể đo lường bằng cách lấy tổng thu nhập trung bình chia cho thu nhập trung bình của ngành hoặc của tất cả các đối thủ cạnh tranh còn lại trên cùng ngành.
Rất nhiều công ty nói rằng chúng tôi trả lương cao hơn đối thủ, nhưng sự thật thì họ chỉ đoán vậy thôi. Chỉ số này sẽ cho bạn cái nhìn chính xác về thế nào là cao hay thấp hơn.
Chi phí chăm sóc sức khỏe trên đầu nhân viên
KPis mẫu cho nhân sự này cung cấp cho bạn một cái nhìn sơ bộ về kế hoạch chăm sóc sức khỏe trên đầu mỗi nhân viên hiện tại. Bạn có thể đo lường bằng cách lấy tổng chi phí về chăm sóc sức khỏe chia cho toàn bộ số nhân viên mà bạn có.
Sự hài lòng về chính sách phúc lợi
Chỉ số này cung cấp cái nhìn toàn diện về sự hài lòng của nhân viên với các chính sách về phúc lợi mà công ty đang có. Chỉ số này được đo thông qua các cuộc khảo sát. Bạn có thể đo lường tổng thể hoặc đo lường sự hài lòng trên từng chính sách một.
Hệ số hiệu suất nhân sự
Đo lường hiệu suất làm việc của nhân viên theo thời gian. Bạn có thể đo lường theo quý, năm hoặc vài năm để có sự so sánh. Chỉ số này đo lường bằng cách lấy tổng số doanh thu (Hoặc lợi nhuận) chia cho tổng số nhân sự mà bạn đang có.
ROI – HIệu suất đầu tư
Bạn muốn đảm bảo số tiền bạn bỏ ra để đầu tư cho các hoạt động cho nhân sự là xứng đáng, ROI là một chỉ số có thể giúp bạn điều này. ROI được tính dựa trên tổng số lợi nhận chia cho toàn bộ số tiền mà bạn đầu tư vào đội ngũ nhân sự.
Các chỉ số KPIs mẫu cho nhân sự – KPIs về văn hóa
Chỉ số hài lòng của nhân viên
Đây là chỉ số quan trọng trong việc giữ chân người giỏi. Bạn có thể đo lường chỉ số này qua khảo sát. Nó sẽ giúp bạn nhìn ra độ hạnh phúc, hài lòng của nhân viên hiện tại.
Số lượng các cuộc khảo sát hài lòng
Giúp bạn nhìn thấy nỗ lực của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian để quan sát và đo lường sự hài lòng của nhân viên
Số lượng nhân viên tham dự các chương trình xây dựng văn hóa
Giúp bạn nhìn ra số lượng nhân sự (và cả tỉ lệ phần trăm) trong đội ngũ của bạn đã hoàn thành các chương trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Tỉ lệ phần trăm các ngày nghỉ được sử dụng
Thể hiện thái độ của nhân viên với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bạn có thể đo lường bằng số lượng ngày nghỉ thực trong năm chia cho số ngày nghỉ theo chế độ của đội ngũ.
KPIs mẫu cho nhân sự – Các chỉ số vận hành
Tỉ lệ vắng
Cho chúng ta một góc nhìn về số ngày lao động bị mất do nhân sự vắng mặt (vì bất cứ lý do gì). Nó được tính dựa trên tổng số ngày vắng chi cho toàn bộ số ngày công trong doanh nghiệp.
Số lượng nhân viên toàn thời gian
Giúp chúng ta theo dõi sự tăng trưởng của lực lượng lao động theo thời gian
Số lượng nhân viên thời vụ
Có thể so sánh với lượng nhân viên toàn thời gian để bạn có cái nhìn tương đối về cách sử dụng lao động của mình.
Thời gian làm việc trung bình
Được đo lường bằng trung bình số thời gian mà một nhân sự làm việc tại công ty. Nó giúp bạn nhìn thấy được mức độ trung thành của nhân sự. Nếu so sánh với mức độ hài lòng, bạn sẽ có những cái nhìn thú vị về tình hình nhân sự và các chính sách hay môi trường làm việc tại công ty.
Tỉ lệ nghỉ việc chủ động
Được đo lường bằng số lượng nhân viên chủ động nghỉ việc chia cho toàn bộ số nhân viên nghỉ việc trong một khoảng thời gian nào đó.
Tỉ lệ nghỉ việc bắt buộc
Đo bằng số lượng nhân viên nghỉ việc do công ty yêu cầu so với tổng số nhân viên nghỉ việc.
Tỉ lệ thất bại trong thử việc
Chỉ số này giúp bạn đo lường khả năng tuyển dụng đúng người và đội hiệu quả của các chương trình định hướng và hỗ trợ cho nhân viên mới. Nó được đo bằng số nhân viên không vượt qua được kỳ thử việc chia cho toàn bộ số nhân viên mới trong một khoảng thời gian.
Tỉ lệ nghỉ việc trong năm đầu tiên
Được đo bằng số lượng nhân sự trong năm đầu tiên nghỉ việc chia cho tổng số nhân sự bạn thuê trong năm đó. Tỉ lệ này phản ánh khả năng chấp nhận một nhân viên mới trong tổ chức và sự hỗ trợ cho họ.
Thời gian để thay thế
Được đo bằng tổng số thời gian để thay thế cho tất cả các vị trí bị trống trong kỳ chia cho số lượng các vị trí cần được tuyển dụng mới trong kỳ đó. Nó phản ánh khả năng thay thế nhân sự khi có những biến động xảy ra.
Tỉ lệ hài lòng về quy trình tuyển dụng
Phản ánh sự hài lòng của đội ngũ nhân sự hiện tại với quy trình tuyển dụng. Bạn cần khảo sát để có chỉ số này.
Chi phí tuyển dụng nhân sự
Chỉ số này phản ánh tổng chi phí bạn phải bỏ ra để có một nhân sự mới. Được tính bằng tổng chi phí bỏ ra trong kỳ cho tuyển dụng, chia cho số vị trí tuyển được. Các chi phí bao gồm quảng cáo, các công cụ, chi phí tuyển dụng, hoa hồng cho giới thiệu.
Hiệu quả đào tạo
Được đo bằng sự thoải mái và tự tin của đội ngũ sau khi đào tạo so với trước đây. Bạn cần khảo sát mới biết được chỉ số này.
Chi phí đào tạo cho mỗi nhân viên
Được đo lường bằng tổng chi phí đào tạo chia cho số lượng nhân viên. Bạn cần đo để biết mình đang đầu tư như thế nào cho đội ngũ.
Tỉ lệ nghỉ việc
Được xác định bằng số lượng nhân viên nghỉ việc chia cho tổng số nhân viên trong thời gian đo lường.
Tỉ lệ người xuất sắc nghỉ việc
Xác định bằng số lượng nhân viên có hiệu suất cao (cần định nghĩa) mà nghỉ việc trong năm chia cho tổng số nhân viên có hiệu suất cao mà công ty có trong năm đó. Chỉ số này phản ánh khả năng giữ nhân tài của công ty.
Thời gian trung bình tuyển nhân sự mới
ĐO lường bằng tổng số thời gian trung bình mà bạn cần bỏ ra từ lúc có kế hoạch tuyển dụng cho tới khi tuyển được. Chỉ số này phản ánh sự hiệu quả của quy trình tuyển dụng.
Số ứng viên phỏng vấn trên mỗi vị trí
Được đo lường bằng số lượng ứng viên trung bình cho mỗi vị trí đã được phỏng vấn. Đây cũng là một chỉ số đo lường sự hiệu quả của quy trình tuyển dụng.
Tỉ lệ chấp thuận làm việc
Được xác định trên số lượng các lời mời làm việc được chấp thuận chia cho tổng số lời mời mà công ty đưa ra. Chỉ số này phản ánh độ hiệu quả của các phúc lợi mà công ty cung cấp.
Hiệu quả chuyên môn của đào tạo
Được đo lường thông qua các bài test. Tỉ lệ nhân viên vượt qua bài test trước và sau đào tạo, số điểm trung bình trước và sau khi đào tạo.
KPIs mẫu cho nhân sự – KPIs về hiệu suất
Tỉ lệ ứng viên đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng
Chỉ số này giúp xác định đội hiệu quả của các kênh tuyển dụng, độ hiệu quả của các thông điệp tuyển dụng.
Tỉ lệ tuyển dụng nội bộ
Chỉ số này cho bạn thấy sự phát triển của đội ngũ nhân sự trong nội bộ. Chỉ số này được tính trên số lượng nhân sự nội bộ chia cho số lượng nhân sự tuyển dụng được trong khoảng thời gian được đo lường.
Tỉ lệ ứng viên do nhân viên giới thiệu
Là tỉ lệ giữa số lượng ứng viên do nhân viên bên trong công ty giới thiệu so với tổng số ứng viên tuyển được.
Chỉ số này phản ánh mức độ hài lòng của nhân sự với môi trường làm việc của công ty và những giá trị họ nhận được khi làm việc ở cty ở mức nào.
Tỉ số thăng tiến trong nội bộ
Chỉ số này cho thấy mức độ khả năng phát triển của đội ngũ nhân sự trên nấc thang sự nghiệp của họ. Chỉ số này được đo bằng số lượng nhân viên được đề bạt thăng tiến lên nấc thang cao hơn so với tổng số nhân viên.
Tỉ số nhân sự không đáp ứng yêu cầu
Được đo bằng số lượng nhân sự dưới chuẩn ở các kỳ đánh giá năng lực so với tổng số nhân viên.
Đưa các KPIs mẫu cho nhân sự này vào thực tế
Giờ là lúc bạn cần xác định xem bạn muốn theo dõi chỉ số này. Lưu ý rằng bạn không cần phải đo lường hết mọi chỉ số ở trên. Hãy bắt đầu bằng những gì quan trọng nhất và phù hợp với tình hình thực tế của bạn nhất.
Các chỉ số này vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp cho đội ngũ nhân sự của bạn biết nên tập trung vào điều gì để thúc đẩy chất lượng của đội ngũ nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu chiến lược của công ty.
Comments