top of page
Writer's pictureCOACH Leo Võ Thái Lâm

5 Bước chuyển hoá bất kỳ đội ngũ nào

Có lẽ bất kỳ một nhà lãnh đạo nào, một tổ chức nào cũng đều mong đợi một con đường, một cách thức để chuyển hoá đội ngũ của mình, từ một nhóm (group) những con người làm việc với nhau trở thành một đội ngũ (team) thực sự mạnh mẽ.


Trong bài chia sẻ này, mình muốn đóng góp cho bạn một mô hình mà mình đã có khoảng 4 năm để trải nghiệm, học hỏi và đúc rút nó. Mặc dù phải thú thật, để gọi tên các bước một cách tường minh và rõ ràng, tụi mình cũng chỉ mới gọi ra được trong khoảng 2 năm trở lại đây thôi.



Thế nào là một đội ngũ trong mơ?


Mình cũng đã từng làm trong mảng Employee Engagement (gắn kết đội ngũ) nên có rất nhiều định nghĩa khác nhau về một đội ngũ trong mơ.


Với bản thân mình, một đội ngũ trong mơ là một đội ngũ mà ở đó phải thoả mãn một số điều kiện:

  • Mỗi thành viên cam kết làm hết sức mình để giúp đạt mục tiêu chung của cả team

  • Team luôn nỗ lực hết sức để giúp mỗi thành viên trở thành một phiên bản trọn vẹn, phát huy được tối đa tiềm năng của bản thân

  • Mỗi cá nhân và đội nhóm luôn nỗ lực hết sức vì một mục tiêu cao cả, chính là mục đích cốt lõi của tổ chức, của đội nhóm đó.

Có rất nhiều người nói rằng chỉ cần các thành viên đạt mục tiêu của bản thân, chỉ cần đội nhóm (hoặc doanh nghiệp) đạt mục tiêu lợi nhuận là đủ.


Sự thật thì hoàn toàn không phải vậy. Những con người luôn nỗ lực vì một mục tiêu cao cả, những tổ chức luôn tôn trọng sự trọn vẹn của mỗi cá nhân và giúp họ phát huy tối đa tài năng của bản thân luôn là những tổ chức giàu năng lượng, giàu sinh khí và hiệu suất trong dài hạn sẽ rất cao.


Ngược lại, nhưng tổ chức chỉ chú trọng đến việc đạt mục tiêu hiếm khi nào có thể duy trì được một bầu không khí trong lành, năng lượng và hiệu quả trong dài hạn.


Có một câu của Simon Sinek mà mình rất thích: "Tiền là nhiên liệu. Xe cần nhiên liệu, nhưng mục đích của một chiếc xe không phải là kiếm thêm nhiên liệu". Câu nói này phản ánh chính xác ý tưởng ở trên. Một tổ chức cần phải hướng chính nó và mọi thành viên đến một mục đích cao cả và sứ mệnh của mỗi thành viên trên hành trình là phát huy tối đa tài năng của bản thân để đóng góp vào mục đích cao cả đó.


Con đường chuyển hoá


Trải qua rất nhiều những tổ chức khác nhau, tụi mình nhận ra rằng luôn có một vài điểm giống nhau trên con đường chuyển hoá của bất kỳ một nhóm hay một tổ chức nào. Dưới đây là một con đường mà bạn hoàn toàn có thể tham khảo để áp dụng cho tổ chức của mình.


Mình có thể cam kết với bạn, quy trình này có thể chuyển hoá bất kỳ một tổ chức nào, một đội nhóm nào cho dù nó đang ra sao.


Bước khởi đầu, kết nối (connection)


Chúng ta luôn cần kết nối mọi người lại với nhau bằng nhiều hình thức khác nhau. Khoan hãy nói đến những điều sâu xa hơn, chỉ đơn giản là kết nối họ lại bằng mục tiêu chung, bằng các quy tắc chung và thói quen chung.


Với một doanh nghiệp thì đó là sự kết nối thông qua mục đích cốt lõi, giá trị cốt lõi, tầm nhìn hay các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.


Bằng kinh nghiệm cá nhân, mình nhận thấy rằng bất kỳ khi nào người chủ doanh nghiệp hay team leader của một nhóm xác định được một mục đích cao cả, một tầm nhìn truyền cảm hứng và gọi ra được các giá trị chung thì luôn tạo ra được một sự kết nối mạnh mẽ về mặt cảm xúc với các thành viên. Thậm chí là sự kết nối về cảm xúc với cả khách hàng, đối tác và cộng đồng xã hội.


Sự kết nối của đội nhóm cũng có thể được bắt đầu bằng một dự án chung về trách nhiệm xã hội đủ hấp dẫn, thú vị để mọi thành viên tham gia.


Mình đã từng chứng kiến một thành viên đã ngoài 50 tuổi của công ty 30 năm chia sẻ rằng chị ấy sẽ cảm thấy tự hào như thế nào nếu một ngày nào đó chị ấy được giới thiệu với con mình, chính mình đã cùng công ty đóng góp để xây lên một ngôi trường nào đó.


Bước kết nối sẽ kết thúc khi mọi người quen với các quy tắc, các thói quen chung của cả nhóm. Kỷ luật tập thể bắt đầu tạo ra kỷ luật cá nhân.


Chuyển hoá cá nhân (Transformation)


Sau bước khởi đầu là kết nối, bước kế tiếp bạn cần làm sẽ là làm sao để chuyển hoá mỗi một cá nhân để họ có thể thay đổi hành vi của bản thân và ý thức về bản thân, kiểm soát bản thân mình tốt hơn.


Có rất nhiều đội nhóm khởi đầu bằng những ý tưởng hay ho và truyền cảm hứng. Thậm chí là những ý tưởng để thay đổi thế giới. Mọi người rất hào hứng, rất tâm huyết nhưng sau một thời gian thì đội ngũ tan rã dần.


Mình đã quan sát bản thân, quan sát đội nhóm của mình, quan sát nhiều đội nhóm khác nhau và nhận ra rằng rất nhiều những mâu thuẫn xảy ra đến từ việc mỗi cá nhân đã hoàn toàn không biết cách kiểm soát bản thân mình. Họ cũng không cố ý đâu, nhưng có rất nhiều những góc khuất, góc tối ẩn sau mỗi người mà chính họ cũng không biết. Đôi khi chỉ vì một trigger nào đó do một ai đó vô tình tạo ra, cũng đã làm tan biến toàn bộ những nỗ lực trước đó mà các bên đã cố gắng xây dựng.


Câu chuyện chuyển hoá cá nhân luôn phải bắt đầu từ việc thấu hiểu bản thân mình. Thấu hiểu từ hành vi, từ động lực, giá trị đến điểm mạnh, điểm yếu... của mỗi người.


Mỗi người cũng phải học cách quản lý hành vi, quản lý cảm xúc, lời nói, cách thức ra quyết định, động lực, năng lượng của bản thân. Mỗi yếu tố này đều ảnh hưởng rất lớn đến bầu không khí chung của tổ chức, của đội nhóm.


Giai đoạn chuyển hoá cá nhân sẽ kết thúc khi mỗi người hoàn thành việc xây dựng cho riêng mình một thói quen để có một cuộc sống viên mãn và bắt đầu kiểm soát được hành vi của bản thân mình.


Trao quyền cho các cá nhân (Empowerment)


Hầu hết các lãnh đạo đều mong đợi có thể trao quyền cho đội ngũ của mình, mong đợi một lúc nào đó mỗi cá nhân đều có thể tìm ra được đâu là điều mà tôi có thể làm giỏi nhất và thể hiện điều đó trong tổ chức.


Việc trao quyền cho các cá nhân phải đến từ việc mỗi người có khả năng kiểm soát được bản thân mình, khả năng thấu hiểu bản thân mình một cách sâu sắc.


Giai đoạn trao quyền sẽ bắt đầu bằng việc mỗi cá nhân phải hiểu điểm mạnh, động lực thực sự của mình ở chỗ nào và điểm thăng hoa của mình ở đâu.


Không chỉ như vậy, mỗi cá nhân phải thấu hiểu một cách sâu sắc đâu là tiềm năng lớn nhất trong tương lai mà mình có thể chạm đến được và con đường đi đến mục cái tiềm năng đó là gì. Một khi hiểu rõ điều này, cả lãnh đạo lẫn thành viên của đội nhóm sẽ rất dễ dàng cảm thấy mỗi người có thực sự có khả năng gắn kết lâu dài với tổ chức hay không.


Bản thân mình đã trải qua khá nhiều lần có được những cộng sự xuất sắc chỉ đến từ việc hai bên hiểu rõ tầm nhìn và định hướng của nhau.


Có một câu nói mà bản thân mình luôn tâm niệm để thay đổi bản thân, nhất là mỗi khi gặp khó khăn, đó là "thấu suốt bên trong, xuất chúng bên ngoài". Sự thấu suốt từ bên trong là yếu tố cốt lõi để trao quyền.


Tạo ra đội ngũ gắn kết (Engagement)


Một đội ngũ gắn kết là ước mơ của mọi nhà lãnh đạo. Nhưng đội ngũ gắn kết chỉ đến khi nào? Có rất nhiều chương trình tạo ra sự gắn kết đội ngũ hiện nay, nhưng sự thực thì nó khó có thể giúp cho các tổ chức có sự gắn kết trong dài hạn khi mà mỗi một cá nhân chưa thực sự có sự chuyển hoá.


Trong một lần thảo luận chuyên môn với một nhóm các chuyên gia điều phối, tụi mình có đặt ra một câu hỏi, chuyển hoá thực sự là gì?


Trong buổi chia sẻ đó, mình đã chia sẻ rằng chuyển hoá là khi mà bạn thay đổi từ bên trong, thay đổi ngay từ trong vô thức quan điểm, góc nhìn của mình về một điều gì đó về thế giới xung quanh.


Trí tuệ có rất nhiều cấp độ khác nhau, nhưng sự chuyển hoá chỉ đến khi bạn thực chứng trí tuệ đó và cảm nhận nó một cách sâu sắc.


Một đội ngũ gắn kết khi mà mỗi người:

  • Mỗi thành viên cam kết làm hết sức mình để giúp đạt mục tiêu chung của cả team

  • Team luôn nỗ lực hết sức để giúp mỗi thành viên trở thành một phiên bản trọn vẹn, phát huy được tối đa tiềm năng của bản thân


Thông qua việc ghi nhận, thông qua các chương trình phát triển bản thân, qua các chương trình trách nhiệm xã hội.. chúng ta có thể tạo ra sự gắn kết của mọi người với nhau và với tổ chức.


Có một điểm thú vị mà hầu hết các tổ chức đều bỏ qua, kể cả các tổ chức chuyên làm về gắn kết đội ngũ, đó là vai trò của gia đình và các mối quan hệ xung quanh với năng lượng, với sự gắn kết của họ với tổ chức.


Đây cũng là giai đoạn mà nhận thức xã hội, sự thấu cảm của mỗi cá nhân cần phải được chú trọng.


Ở giai đoạn nãy, mỗi cá nhân cần đảm bảo gia đình phải trở thành nền tảng cho sự thành công của họ.


Có một điểm thú vị là một khi bạn có được một đội ngũ gắn kết, hiệu suất làm việc của mỗi cá nhân và tổ chức sẽ tăng lên một cách rõ rệt.


Các tổ chức có sự gắn kết cao luôn có lợi nhuận cao hơn ít nhất 34% so với các tổ chức có cùng quy mô.


Tăng trưởng trong hạnh phúc (Happy Growing)


Khi mà mọi người đều gắn kết nhau và gắn kết với tổ chức, đó là lúc bạn có thể hướng mọi người đến một điều to lớn hơn, tạo ra sự tăng trưởng của cả tổ chức, cả đội nhóm trong sự hạnh phúc, sự bình an và trọn vẹn của mỗi người.


Đây cũng là lúc mỗi cá nhân cần phải mang hết tài năng của mình ra phụng sự cho mục đích cao cả chung của cả tổ chức.


Năng lực truyền cảm hứng, năng lực tự lãnh đạo bản thân, năng lực xây dựng các mối quan hệ dài hạn, xử lý xung đột là điều cốt lõi mà mỗi cá nhân cần phải rèn luyện ở giai đoạn này.


Kết luận


Trong mấy năm vừa qua, tụi mình đã thực hành quy trình này trên nhiều công ty khác nhau. Có những tổ chức thành công, có những tổ chức chưa thành công như mong đợi hoặc chậm hơn dự kiến nhưng cho tới giờ, tụi mình vẫn cảm thấy rất tự hào về những gì đã làm được cho các tổ chức.


Đã có rất nhiều các doanh nghiệp đã có những chuyển hoá sâu sắc và thay đổi hoàn toàn cách thức mà người lãnh đạo giao tiếp với đội ngũ, cách thức đội ngũ giao tiếp với nhau và tạo ra những kết quả rất tốt cho doanh nghiệp.


Tuy vậy, việc chuyển hoá không phải bao giờ cũng diễn ra một cách suôn sẻ. Điều quan trọng nhất vẫn là cần sự tỉnh thức, kiên trì, tin tưởng của những người lãnh đạo.



Recent Posts

See All

Comments


bottom of page