Tuần vừa rồi với bản thân mình là một tuần thực sự có ý nghĩa và nhiều niềm vui. Một niềm vui lớn là một trong số các khách hàng của mình là một công ty sản xuất đã bắt đầu có sự chuyển hoá sâu sắc.
Chỉ vài tháng trước thôi, khi xuống làm việc với họ, mình cảm nhận đó là tập hợp của những con người có tâm, tử tế nhưng lại rời rạc và việc ai nấy làm. CEO là người điều phối mọi hoạt động, ra mọi quyết định, là trung tâm xử lý mọi vấn đề.. và cũng là người luôn ngập trong các công việc từ sáng tới tối.
Nếu có một vấn đề gì xảy ra, CEO là người sẽ đưa ra phương án xử lý, cũng là người phân trách nhiệm, là người đôn đốc, là người theo dõi, là người đánh giá...
Túm lại đúng nghĩa là Chief Everything Officer.
Cách tiếp cận mới
Đây là một tình huống điển hình ở rất nhiều công ty hiện nay. Thậm chí nếu như các công ty muốn thay đổi, họ cũng tập trung vào việc đào tạo để mỗi cá nhân có sự nhận thức mới, kỹ năng mới và mong đợi sự thay đổi sẽ diễn ra từ đó.
Cách tiếp cận này không sai, nhưng mình thấy nó mất rất nhiều thời gian và hiệu quả cũng không phải quá cao.
Mình tiếp cận theo một cách khác. Đơn vị bây giờ không phải là cá nhân mà là đội nhóm và tập trung xây dựng năng lực cho đội nhóm chứ không phải năng lực cho mỗi cá nhân.
Quay trở lại với khách hàng ở trên. Tháng 11 mình có 1 buổi điều phối để nhóm bắt đầu kết nối, chia sẻ và cùng nhau cảm nhận, cùng nhau đưa ra phương án giải quyết vấn đề doanh thu ở thời điểm đó.
Qua tết, mình dành 2 ngày để điều phối việc thiết lập mục tiêu và chiến lược - lập kế hoạch hco 2023 theo hướng cho mọi người tự cảm nhận, tự đưa ra giải pháp - thương lượng và cùng lên kế hoạch.
3 tuần sau kỳ lập kế hoạch, lại tiếp tục đưa team vào dự án mới, cùng thay đổi toàn bộ và xây dựng lại chiến lược bán hàng, chiến lược giá cho toàn thị trường.
Kết quả cho tới giờ làm cả bản thân mình và người trong cuộc đều bất ngờ. Mọi người hăng hái hơn, chủ động đóng góp, chủ động lên kế hoạch... đến mức mà CEO và chủ doanh nghiệp đều bất ngờ.
Các đội nhóm luôn là một phần quan trọng của các doanh nghiệp, đó có thể là các bộ phận, có thể là các nhóm dự án hay chỉ đơn giản là một nhóm các quản lý họp với nhau hàng tuần. Sự gắn kết, sự chủ động và năng lực của các nhóm có ảnh hưởng gần như trực tiếp đến kết quả của các doanh nghiệp.
Sự khác biệt trong cách tiếp cận
Có 3 sự khác biệt lớn mà mình nhìn thấy ở đây.
Quan tâm tới hiệu suất nhóm hơn là từng cá nhân
Một là mình hoàn toàn chưa quan tâm tới kỹ năng và kiến thức của các thành viên riêng lẻ. Mình cũng không quan tâm tới kết quả và hiệu suất của mỗi cá nhân riêng lẻ mà quan tâm đến hiệu suất chung của cả nhóm.
Mình nỗ lực xây dựng một môi trường mà ở đó có sự thân thiện, ai cũng được mời chia sẻ, ai cũng được nêu quan điểm và cùng nhau chốt lại giải pháp cuối cùng.
Một điều dễ thấy là chính cách này đã tạo ra một năng lượng tích cực trong team và giúp các thành viên trở nên thoải mái hơn, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Đưa nhóm vào các vấn đề chung
Mình gom mọi người vào các hoạt động chung để giải quyết từng vấn đề một. Bắt đầu là làm thế nào để bán ra gấp đôi sản lượng so với trước đây? Sau đó là xây dựng mục tiêu và chiến lược cho 2023 và cuối cùng là làm thế nào để có một chính sách giá và chính sách bán hàng hiệu quả?
Nói thật là đôi khi mình cũng thấy hơi mất thời gian so với việc chỉ cần hỏi những người quản lý cấp cao chúng ta cần làm gì trong năm nay hay giải pháp là gì, nhưng được cái là tạo ra một bầu không khí hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Quan trọng nhất là sự chủ động, sáng tạo, tự tin của mỗi thành viên.
Kỹ năng điều phối và kỹ năng cảm xúc
Cách tiếp cận này đòi hỏi người lãnh đạo phải có kỹ năng điều phối, kỹ năng đặt câu hỏi cũng như kiểm soát cảm xúc của bản thân rất tốt.
Mình nhớ là có lần yêu cầu một khách hàng chỉ được nói 5 lần trong một cuộc họp. Mỗi lần không quá 120 giây, chỉ cần vi phạm phạt 5 triệu. Bạn ấy sau đó đã chia sẻ là chấp nhận đóng phạt chứ tức quá chịu không nổi. Và bạn ấy chiếm luôn toàn bộ thời gian còn lại của cuộc họp.
Nhiều lãnh đạo cũng đang có vấn đề y chang. Họ không đủ kỹ năng để đặt câu hỏi, điều phối các cuộc thảo luận và kiểm soát cảm xúc để có thể thực thi được cách tiếp cận này.
Mình đã làm việc với gần 80 công ty cho tới giờ này, đa phần trong số đó mình hoàn toàn không có kiến thức về ngành của họ, nhưng chỉ bằng cách kỹ năng này mình đã hỗ trợ cho hầu hết các trường hợp giải quyết các vướng mắc của họ.
Điều mình sợ nhất chỉ là họ đưa ra vấn đề không đủ cụ thể thôi.
100% các khách hàng của mình sau khi được trang bị kỹ năng điều phối và thử tiếp cận giải quyết các vấn đề trong công ty theo cách này đều xác nhận, giống như năng lực lãnh đạo của họ đã lên một tầm cao hoàn toàn mới vậy.
Kết luận
Mình là người ưa thích việc xây dựng các đội nhóm tự cảm nhận, tự đưa ra vấn đề, tự lên kế hoạch và tự thực thi cũng như kiểm chứng. Đối với mình đó mới thực sự là vai trò của một nhà lãnh đạo. Thế nên không có gì lạ khi mình luôn nỗ lực để làm điều này với mỗi công ty mà mình có cơ hội làm việc.
Mình coi trọng AI (WHO) hơn là CÁI GÌ (WHAT) khi làm việc với một doanh nghiệp. Nghĩa là mình quan tâm tới động lực của mỗi người, quan tâm tới việc gắn kết họ lại và nâng tầm cả tổ chức lên hơn là tập trung vào làm cái gì để thay đổi.
Tuy nhiên điều bất lợi là mình chưa có đủ năng lực để truyền cảm hứng cho mọi người đặt tin niềm vào đội ngũ, vào việc tạo ra một sự gắn kết mạnh mẽ trong tổ chức. Tạo ra một tập thể làm việc vì sứ mệnh hơn là công việc. Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã không có đủ sự kiên nhẫn để làm việc lâu dài với mình.
Nhưng bù lại, ai đã đủ niềm tin thì thường khi chính họ và đội ngũ chuyể hoá, gần như kết quả sẽ đến ngay lập tức và rất khác biệt.
Mong là trong tương lai mình sẽ giỏi việc truyền cảm hứng hơn để nhiều người tin và đủ kiên trì theo lối tiếp cận này.
Là một chủ doanh nghiệp hay một lãnh đạo, nếu bạn quan tâm và muốn áp dụng cách này cho team thì cứ nhắn tin cho mình để thảo luận sâu hơn nha. Mình sẽ chia sẻ thêm thông tin để bạn có thể học các kỹ năng này nha.
Comments