Mỗi năm chúng ta đang chứng kiến hàng triệu người trên khắp thế giới tự kết thúc cuộc đời của mình. Mới hôm qua thôi, chúng ta lại chứng kiến một câu chuyện đau lòng của một nam sinh ở Hà Nội khi bạn đã nhảy từ tầng 17 xuống đất vì quá áp lực.
Con số đó nhiều khả năng sẽ không giảm mà còn có xu hướng tăng lên trong tương lai, nếu chúng ta tiếp tục cuộc sống như hiện nay.
Sự mất kết nối với bản thân
Chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà con người có thể đọc bất kỳ tin tức nào mà mình muốn, có thể xem bất cứ video, bộ phim, câu chuyện nào mình yêu thích, có thể kết nối với bất kỳ ai mình biết thông qua mạng xã hội.
Chưa kể, những áp lực ngày càng lớn về việc phải tạo ra nhiều của cải hơn vì mức tiêu thụ nhiều hơn làm cho chúng ta phải liên tục tiến về phía trước. Những điều này làm cho chúng ta hoàn toàn mất kết nối với bản thân mình, và mình nghĩ, đó mới là nguyên nhân của những câu chuyện đau lòng ở trên.
Bản thân (Self) của mỗi chúng ta hay cái tôi đích thực là một khái niệm mà loài người đã có rất nhiều những định nghĩa khác nhau, ngay từ thời cổ đại.
Aristotle mô tả đó là bản chất cốt lõi của con người được xác định bởi cách nó hoạt động trong thế giới này. Người phương đông coi đó là điều cần phải từ bỏ.
Mình thích khái niệm của Otto Scharmer, đó là con người tiềm năng nhất mà mình có thể trở thành. Trong nhiều truyền thống tâm linh, người ta còn gọi đó là cái tôi siêu việt, bản thể đích thực hay highest self của mỗi người.
Chúng ta bị chia cắt hoàn toàn với bản thể đích thực của mình bởi vì chúng ta đang bị cuốn vào các hoạt động hấp dẫn ngày càng nhiều do thế giới tạo ra và những nhu cầu thiếu tỉnh thức của bản thân.
Chúng ta bị cuốn một cách vô thức, hoàn toàn không có khả năng thoát ra khỏi đó và không đoái hoài gì đến bản thân mình.
Một nhân viên bán hàng luôn quan tâm đến hiệu suất làm việc của mình, luôn tìm cách kết nối nhiều hơn với khách hàng tiềm năng nhưng lại quên mất chính bản thân mình cũng có nhu cầu được lắng nghe, được thấu hiểu, được nghỉ ngơi.
Nguyên nhân và hậu quả của sự mất kết nối
Vì nỗi sợ bị phán xét và sợ mất phần, chúng ta lại mang áp lực phải giỏi hơn, phải trở nên xuất sắc hơn áp lên chính bản thân, lên con cái và người thân của mình và dần dần mọi người đều mất luôn sự kết nối với bản thân.
Điều kỳ lạ là chúng ta cảm thấy điều đó rất bình thường. Có lẽ bởi ai cũng vậy.
Khi một người mất sự kết nối với bản thân, họ hoàn toàn không còn nhìn thấy bất kỳ một giá trị nào của bản thân với thế giới, không còn nhìn thấy bất kỳ lý do nào để tồn tại, nhất là khi phải đối diện với những áp lực khủng khiếp từ thế giới bên ngoài.
Một người bị mất hoàn toàn kết nối với bản thể đích thực của mình họ cũng sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm với những tác động từ xung quanh. Họ sẽ dễ dàng bị nhấn chìm bởi bất kỳ một lời nhận xét nào, dù là vô tình hoặc hoàn toàn không nhắm đến họ.
Một người bị mất hoàn toàn kết nối với bản thân, sẽ dễ dàng bị những thất bại tạm thời trong hiện tại làm cho họ trở nên căng thẳng, sợ hãi và thậm chí mất luôn hoàn toàn ý chí vì nó sẽ khoét sâu hơn nữa sự tự ti ở bên trong họ.
Chính sự mất kết nối với bản thân, là nguyên nhân khiến chúng ta mất kết nối với những người xung quanh và với thế giới. Chúng ta đòi hỏi nhiều hơn, mong đợi nhiều hơn, tiêu thụ nhiều hơn để khoả lấp một trái tim mong manh, đầy sợ hãi.
Cái tôi giả
Nhưng mình cũng có cảm giác là nhiều người đang bị điều khiển bởi cái tôi giả (Fake Self).
Các chương trình phát triển bản thân, các cuốn sách self-help đang làm cho chúng ta bị ngộ nhận.
Nó làm cho chúng ta muốn nhiều hơn, tham lam hơn và cuối cùng lại bị đè chết bởi chính cái tôi giả mà mình tạo nên với sự thiếu hiểu biết về bản thân.
Thế giới cần phải tiến về phía trước, nhưng sự phụ thuộc thái quá vào công nghệ, sự tiêu thụ quá mức của mỗi cá nhân đang làm hại chính chúng ta và làm hại cả trái đất. Bạn có biết nước Mỹ đang tiêu thụ gấp 5 lần khả năng chịu đựng của trái đất?
Cần làm gì để kết nối với chính mình?
Chúng ta có lẽ phải dành thêm thời gian cho bản thân mình.
Dành thời gian để tĩnh tâm và tự hỏi, mình có thực sự cần sử dụng tới 4h mỗi ngày chỉ để lướt fb, ticktok, youtube?
Chúng ta có thực sự cần những thứ chúng ta vạch ra cho tương lai của mình?
Đâu là động lực thực sự của mình?
Đâu là con người thực sự mình muốn trở thành?
Đâu là điều mình thực sự phải nên coi trọng?
Mình có đang tạo ra một cái tôi giả cho bản thân mình không?
Mình có đang đánh mất chính mình không?
Thấu hiểu tất cả những điều này sẽ tạo ra một chiếc la bàn nội tâm để mỗi chúng ta sống đúng với chức năng như mình được sinh ra, là để đóng góp một điều gì đó cho thế giới.
Giỏi thiên văn, giỏi địa lý, giỏi toán học... là cần thiết, nhưng hãy ưu tiên giỏi chính bản thân mình trước.
"HÃY TỰ BIẾT MÌNH!"
Commentaires