Ai trong chúng ta cũng mong muốn mình có được sự bình an, có được hạnh phúc và thành công. Đó luôn là ước muốn của con người.
Để có được bình an, hạnh phúc và thành công, chúng ta thường mong muốn mình có nhiều kiến thức, nhiều trí tuệ để biết mình nên làm gì và nên phản ứng thế nào trước mỗi tình huống trong cuộc sống. Dù là hai mặt của một đồng xu, nhưng giữa kiến thức và trí tuệ có một sự khác biệt căn bản mà không phải ai cũng nhận ra.
Kiến thức chỉ đơn giản là những dữ liệu, những thông tin, những điều đúng đắn mà bạn có được qua quá trình học tập, nghiên cứu và quan sát.
Trí tuệ theo định nghĩa trong từ điển Tiếng Việt: Trí tuệ là danh từ nói tới khả năng tưởng tượng, suy nghĩ, phê phán, học hỏi, hành động và phát minh sử dụng kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, ý thức chung và cái nhìn sâu sắc. Không vi phạm các yếu tố đạo đức, luật pháp.
Định nghĩa Trí tuệ (Wisdom) trong từ điển tiếng Anh: Trí tuệ (wisdom) là khả năng, năng lực phán đoán đúng đắn các vấn đề liên quan đến cuộc sống, hành vi từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp có mục đích. Thậm chí, đó có thể là vấn đề khai sáng, uyên bác, học hỏi.
Từ những định nghĩa này, chúng ta có thể thấy, chỉ có kiến thức vẫn chưa đủ cho chúng ta có được những gì mình mong đợi, chúng ta cần rèn luyện để có cả trí tuệ nữa.
Trong cuốn sách trồng một nụ cười, ngay ở chương đầu tiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết "Trí tuệ là cái mà bạn không thể trao truyền cho người khác. Hạt giống trí tuệ có sẵn nơi mỗi chúng ta. Một người thầy giỏi là người biết cách chạm tới, làm cho hạt giống ấy thức dậy, nẩy mầm và lớn lên."
Cá nhân mình cho rằng, một người có trí tuệ là người có tư duy đúng, là người có hành vi đúng, có khả năng sử dụng các nguồn lực đúng và cuối cùng là có khả năng ra quyết định đúng.
Kiến thức nhiều mà thiếu sự trải nghiệm và hành động, nhiều khi còn mang hại nhiều hơn là lợi. Chúng ta tự làm phức tạp hóa vấn đề, dễ sinh ra phán xét. Nhiều người nói, kiến thức là sức mạnh, nhưng mình thấy rằng kiến thức chưa đủ để làm nên sức mạnh cho một cá nhân, trí tuệ mới là sức mạnh thực sự.
Vốn dĩ chúng ta có quá nhiều những nỗi sợ, những nỗi sợ này vừa được trao truyền từ tổ tiên, ông bà, vừa được hình thành thông qua trải nghiệm của cuộc sống. Thế nên để có được trí tuệ, chúng ta phải mài dũa bản thân mình và vượt qua rất nhiều những nỗi sợ của bản thân.
Vậy làm sao để có được trí tuệ (wisdom)?
Dưới đây là những điều mà bạn có thể thực hành để có được nhiều trí tuệ hơn trong công việc cũng như cuộc sống.
1. Học cách thấu hiểu bản thân
Khi bạn thấu hiểu bản thân mình thì bạn sẽ biết mình nên làm gì, mình không nên làm gì và dễ dàng ra quyết định trước mỗi sự lựa chọn. Khi bạn thấu hiểu những động lực của bản thân, bạn sẽ biết mỗi quyết định của mình đang bị chi phối bởi điều gì. Kèm theo năng lượng từ sự chánh niệm, bạn sẽ có được lựa chọn tốt nhất.
2. Học cách kiểm soát bản thân
Hôm rồi có một bạn hỏi mình "Trí tuệ cảm xúc - tức là chúng ta rèn luyện trí tuệ để cải thiện, kiểm soát cảm xúc hay rèn luyện cảm xúc để nâng cao trí tuệ?". Mình copy nguyên văn câu hỏi vì nó được viết lên jamboard. Câu hỏi thật hay và sâu sắc. Khi chúng ta kiểm soát được những ham muốn của bản thân, kiểm soát được cảm xúc của bản thân, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều những quyết định sai lầm. Như mình đã nói ở trên, vốn dĩ chúng ta có quá nhiều nỗi sợ và những định kiến, nếu không kiểm soát được cảm xúc, không đủ tĩnh tâm, ta sẽ chẳng bao giờ biết đâu là sự thật.
3. Học cách chậm rãi trước khi ra quyết định
Ai cũng muốn nhanh hơn, năng suất và hiệu quả hơn, nhưng sự thật thì trong số 10 quyết định nhanh của ta, hẳn là có tới 8-9 quyết định thiếu sáng suốt. Đã bao nhiêu lần bạn phản ứng một cách vô thức để rồi sau đó phải hối hận. Có thể đã rất nhiều lần phải không?
Chậm rãi không làm bạn mất đi sự thông minh và nhanh nhẹn (khi cần), chậm rãi không làm bạn mất đi sự quyết đoán. Chậm rãi chỉ làm bạn trở nên chắc chắn và đáng tin hơn, làm bạn trở nên có trí tuệ hơn khi biết mở rộng góc nhìn của mình trước khi ra quyết định.
4. Thử những điều mới mẻ
Thật khó để nói rằng trí tuệ của mình sẽ được mở rộng nếu bạn luôn làm những điều cũ kỹ với một cách làm cũ kỹ. Bạn sẽ có thêm những trải nghiệm, những góc nhìn hoàn toàn mới về bản thân mình và người khác khi có những trải nghiệm mới. Chính việc trải nghiệm cũng sẽ giúp bạn nhận ra những nguồn lực mới mẻ mà từ rất lâu rồi bạn không để ý.
5. Luyện khả năng thấu cảm với người khác
Khi bạn học được cách thấu cảm với người khác, bạn sẽ biết điều gì đang diễn ra xung quanh mình, bạn sẽ đặt mình vào vị trí của người khác và thấu hiểu họ, bạn sẽ có thêm nhiều góc nhìn mới để tiến gần hơn đến sự thật. Đó là điều quan trọng để biết mình nên làm gì, nên sử dụng nguồn lực gì, đâu là suy nghĩ đúng đắn, hay nói cách khác, có thấu cảm, bạn sẽ có trí tuệ.
6. Chia sẻ trí tuệ của bạn với người khác
Điều này không phải là bạn cho người khác một lời khuyên hay dạy cho họ kiến thức. Ý nghĩa của việc chia sẻ tức là bạn có mặt ở đó cho họ, bạn đặt những câu hỏi đúng để họ biết đâu thực sự là vấn đề, bạn không bao giờ phán xét họ và liên tục khích lệ họ tiến lên.
Nếu ai đó cần sự giúp đỡ, hãy cố gắng tránh việc cho họ một lời khuyên trông có vẻ đúng với bạn. Điều bạn cần làm là giúp họ nhận ra đâu thực sự là con đường của mình. Đừng để những ham muốn cá nhân dẫn dắt bạn.
7. Có cho mình một nhóm thân tín và gặp mặt hàng tuần
Một trong những cách mà tụi mình làm với mọi người là tạo ra những nhóm chính bắc để mọi người gặp mặt nhau mỗi tuần để thảo luận về một vấn đề gì đó. Có thể là những vấn đề trong cuộc sống, có thể là những vấn đề mà một nhà lãnh đạo đang phải đối mặt và cùng nhau chia sẻ những góc nhìn để có được quyết định đúng đắn nhất.
Dù bạn là ai, chắc chắn bạn luôn bị hạn chế bởi chính những trải nghiệm và định kiến của bản thân. Có một nhóm để bạn có những quyết định tốt hơn và hiệu quả hơn khi mọi người cho bạn những góc nhìn hoàn toàn mới.
Đây là những cách mà bản thân mình và khách hàng của mình đang cố gắng luyện tập mỗi ngày. Có rất nhiều điều tuyệt vời từ việc luyện tập, những mối quan hệ được cải thiện, sự gắn kết trong đội ngũ tăng lên, kết quả kinh doanh tốt hơn - thậm chí là khác biệt so với trước đây. Đó cũng là lý do vì sao từ mấy năm nay mình luôn nỗ lực để sử dụng trí tuệ cảm xúc (EQ) như là một công cụ quan trọng cho công việc hàng ngày của mình khi là một business coach.
Một nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc tốt sẽ luôn biết mình, kiểm soát được bản thân mình, thấu cảm với đội ngũ, truyền cảm hứng cho đội ngũ, giúp đội ngũ của mình phát triển mỗi ngày... Một tổ chức có những người lãnh đạo như vậy thì cơ hội thành công sẽ cao hơn rất nhiều.
Mình hay nói với khách hàng, nếu tìm đến một business coach chỉ để học cách bán hàng, học cách làm marketing, học cách quản lý nhân sự... mọi người đã tìm sai người. Những điều đó, chắc chắn các chuyên gia tư vấn làm tốt hơn mình nhiều. Nhưng nếu bạn muốn dần trở thành một người có trí tuệ hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn, trở nên xuất sắc hơn, tụi mình có thể giúp bạn.
Bạn có biết vì sao càng có trí tuệ bạn sẽ càng hạnh phúc, bình an, càng xuất sắc hơn không? Vì người có kiến thức luôn biết những điều đúng (ở góc nhìn của mình) và tin vào chúng, người có trí tuệ, sẽ biết sự thật.
Comments