top of page
Writer's pictureCOACH Leo Võ Thái Lâm

Làm thế nào để gấp đôi giá trị doanh nghiệp sau 12 tháng?

Tuần này mình có dịp trao đổi với một đơn vị chuyên về môi giới mua bán doanh nghiệp trước khi hai bên ký hợp tác với nhau để đưa doanh nghiệp khách hàng của mình lên sàn mua bán của họ. Họ chia sẻ rằng thị trường mua bán doanh nghiệp đang thực sự rất sôi động, nhất là làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài vào mua các doanh nghiệp trong nước có quy mô từ khoảng 100 tỷ trở lên là rất cao.


Bản thân mình cũng đang trong giai đoạn gia tăng giá trị của các doanh nghiệp cho rất nhiều khách hàng nên cũng cảm nhận khá rõ làn sóng này.


Chưa kể, sau khi ký kết đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, hàng loạt doanh nghiệp sẽ đầu tư vào đây và Việt Nam đương nhiên sẽ là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong tương lai.


Trong bài chia sẻ này, mình muốn chia sẻ một góc nhìn thực tế về việc làm thế nào để gấp đôi giá trị của một doanh nghiệp sau 12 tháng?


Mình tin rằng nếu anh chị em muốn bán doanh nghiệp của mình, cho dù là 1 phần (kêu gọi đầu tư) thì cũng nên gia tăng giá trị của nó trước đã.


Đừng bán khi chưa được giá nhé.




Giá trị của một doanh nghiệp được tính thế nào?


Có rất nhiều phương pháp khác nhau để định giá một doanh nghiệp, nhưng chung quy lại, cho dù là mua vì lợi nhuận hay các nhà đầu tư chiến lược (mua để phát triển tiếp và là 1 phần trong hệ sinh thái của họ) thì người ta luôn quan tâm đến lợi nhuận.


Thật ra cũng có những trường hợp mua ngay cả khi doanh nghiệp chưa có lợi nhuận, đó là khi bạn có những điều rất đặc biệt. Đó có thể là giấy phép con mà phải mất một khoảng thời gian mới có thể xin được hoặc khi bạn có hệ thống phân phối rộng lớn chẳng hạn.


Trong phần lớn các trường hợp, người ta sẽ quay về phương pháp căn bản nhất, phương pháp chiết khấu dòng tiền.


Thông thường các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng mua một doanh nghiệp trong khoảng 7-10 lần EBITDA (là lợi nhuận trước thuế, trước lãi vay, trước khấu hao hữu hình và vô hình). Tuy nhiên, giá trị doanh nghiệp đôi khi chỉ ở mức 2-3 lần EBITDA mà thôi.


Con số 2-3 lần hay 7-10 lần gọi là các HỆ SỐ NHÂN.


Hãy tưởng tưởng EBITDA cúa bạn rơi vào khoảng 20 tỷ mỗi năm, thay vì đúng ra bạn có thể bán được từ 150 tỷ đến khoảng 200 tỷ, nhưng vì thiếu hiểu biết nên bạn chỉ có thể bán được 60 tỷ. Thật lãng phí phải không nào?


Vậy điều gì đang tạo ra sự chênh lệnh này?


8 chìa khóa gia tăng giá trị doanh nghiệp

Thông thường thì tụi mình (với vai trò người huấn luyện, người cố vấn gia tăng giá trị) sẽ có một buổi đánh giá sơ bộ giá trị doanh nghiệp khá khắt khe dưới góc nhìn của người đi mua để người bán (các chủ doanh nghiệp) có cái nhìn chân thực nhất về doanh nghiệp của mình.


Khi đánh giá, có 8 tiêu chí sau đây là mà thực sự bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải để ý xem mình có đang làm tốt không? Nếu làm tốt, hệ số nhân có thể gia tăng đáng kể.


8 yếu tố đó bao gồm:

  • Hiệu quả về tài chính: Bao gồm lợi nhuận và quy mô doanh thu. Lợi nhuận cao hơn, dĩ nhiên giá của bạn sẽ cao hơn rồi. Các doanh nghiệp có quy mô doanh thu trên 10 triệu $ thường cũng có giá trị cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp khác.

  • Tính độc quyền: Yếu tố này chỉ ra rằng doanh nghiệp của bạn có điều gì khác biệt hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh hay không? Nhiều doanh nghiệp cứ nghĩ rằng mình bán các sản phẩm phổ biến nên chẳng có gì đặc biệt. Sự thật thì bạn có thể tạo ra tính độc quyền và khác biệt theo rất nhiều cách khác nhau. Sử dụng công nghệ nè, yếu tố con người nè, mô hình kinh doanh độc đáo nè...

  • Tính độc lập: Nhà đầu tư rất sợ mua trúng các doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào một vài khách hàng lớn, phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp hoặc thậm chí là phụ thuộc vào vài nhân viên cốt cán - ngay cả khi đó là những nhân viên xuất sắc. Nếu bạn thực sự muốn gia tăng giá trị doanh nghiệp của mình, bạn cần phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào bất kỳ ai ở cả 3 nhóm ở trên.

  • Dòng tiền: Có những doanh nghiệp hút một lượng tiền rất lớn để vận hành việc kinh doanh của mình, kiểu doanh nghiệp này sẽ ngốn của nhà đầu tư một lượng tiền mặt đáng kể vì vừa phải trả tiền mua, vừa phải bơm thêm tiền vào cho việc sản xuất kinh doanh. Nếu bạn thuộc nhóm này, đây là một điểm trừ đáng kể đấy. Bỏ qua yếu tố về mô hình kinh doanh, bạn hoàn toàn có thể thay đổi chính sách bán hàng, chính sách mua hàng, kiểm soát hàng tồn kho để gia tăng đáng kể dòng tiền của mình.

  • Nguồn thu lặp lại: đừng nhầm lẫn giữa nguồn doanh thu lặp lại và việc khách hàng quay trở lại mua hàng nhé. Nguồn doanh thu lặp lại giống như một hợp đồng (dù tính pháp lý không cao) giữa người mua và người bán, rằng cứ định kỳ, nếu không có gì thay đổi, tôi sẽ mua hàng của anh. Giống việc các nhà cung cấp dịch vụ internet, cáp truyền hình, điện, nước... thu tiền đều đặn của chúng ta hàng tháng. Nguồn doanh thu lặp lại đảm bảo cho việc dự báo về doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền một cách khá chắc chắn. Hệ số nhân của bạn sẽ được gia tăng đáng kể nếu bạn gia tăng được điều này.

  • Cơ hội tăng trưởng: Nếu bạn chứng minh được rằng sức tăng trưởng của doanh nghiệp bạn sẽ cao trong nhiều năm tới, đây là một điểm cộng vô cùng có giá trị. Các doanh nghiệp có sức tăng trưởng 20%-30% mỗi năm luôn là mặt hàng vô cùng hot và được săn đón. Cơ hội tăng tưởng không chỉ đến từ việc bạn khai thác thị trường như thế nào, sự khác biệt ra sao mà còn được quyết định bởi yếu tố ngành nữa. Bạn có đang ở trong một ngành nghề sẽ bùng nổ trong tương lai hay không?

  • Sự hài lòng của khách hàng: Điều này đảm bảo cho việc khách hàng của bạn sẽ quay trở lại mua hàng và thậm chí giới thiệu cho nhiều người khác. Sự hài lòng của khách hàng thường sẽ được đo bởi các công cụ như NPS, CSAT... để biết bạn đang ở đâu và cần cải thiện điều gì. Nếu một doanh nghiệp có được sự yêu mến và trung thành của khách hàng, cơ hội để gia tăng doanh thu, lợi nhuận trong tương lai sẽ cao hơn hẳn.

  • Đội ngũ và sự phân quyền: Một trong những rủi ro rất lớn cho người mua là doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào một người chủ doanh nghiệp. Điều này sẽ làm giảm đáng kể hệ số nhân của bạn. Nếu bạn có một đội ngũ xuất sắc, những người sẵn sàng đảm nhiệm các công việc bạn đang làm với một chất lượng cao, chắc chắn doanh nghiệp của bạn sẽ được mua với giá cao hơn. Đây cũng là một cái bẫy của khá nhiều doanh nghiệp. Nhiều công ty cố gắng bán những loại sản phẩm hay dịch vụ đặc biệt, đặc biệt đến nỗi không ai có thể thực hiện được ngoài người chủ doanh nghiệp. Chưa kể, ở một số doanh nghiệp, mọi việc vận hành đều xoay quanh người chủ, đây thường là những doanh nghiệp không được đánh giá cao khi bán.


Làm sao để gấp đôi giá trị sau 12 tháng?


Hãy bắt đầu bằng công thức: GIÁ TRỊ = EBITDA X HỆ SỐ NHÂN


Như vậy, để gia tăng giá trị, chúng ta có hai phương án để cải thiện, một là EBITDA của doanh nghiệp đó và hai là hệ số nhân.


Quy trình thông thường là tụi mình sẽ cùng bạn đánh giá từng khía cạnh một của doanh nghiệp

  • EBITDA của bạn đang là bao nhiêu?

  • Trong 12 tháng tới, nếu tập trung vào việc cải thiện doanh thu, lợi nhuận, EBITDA của bạn có thể cải thiện được tới đâu?

  • Nếu cải thiện từng yếu tố một trong doanh thu và lợi nhuận, từ lượng khách hàng tiềm năng, tỉ lệ chuyển đổi, doanh thu trung bình mỗi lần bán, số lần mua lặp lại, mở rộng thị trường mới... thì khả năng cải thiện chỉ số này khá cao.

  • Đánh giá từng khía cạnh trong số 8 khía cạnh ở trên, trên thang đểm 100, mỗi khía cạnh của bạn ở mức mấy điểm? Từ đó sẽ tính toán xem, hệ số nhân của bạn đang ở mức nào?

  • Xây dựng kịch bản để gia tăng điểm từ 3-5 yếu tố quan trọng nhất có sức ảnh hưởng lớn đến các yếu tố còn lại. Thông thường, đội ngũ và sự trao quyền, sự độc quyền, mô hình doanh thu... là một số yếu tố mà tụi mình hay chú trọng.

  • Có một điều thú vị là khi gia tăng các yếu tố trong 8 khía cạnh ở trên, tự nhiên phần lợi nhuận cũng sẽ gia tăng đáng kể nên việc gấp đôi giá trị sau 12 tháng là hoàn toàn khả thi. Chỉ là việc gấp đôi này khó mà duy trì được trong một thời gian dài thôi. Thường thì sau 2-3 năm, việc gia tăng 30% giá trị mỗi năm đã là một thành công rồi.

Kết luận


Xây dựng doanh nghiệp theo hướng lấy giá trị làm trọng tâm là một góc nhìn hoàn toàn mới, nhưng nó phù hợp với xu thế, nhất là việc trong tương lai thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ ngày càng sôi động.


Ngoài doanh nghiệp ra, không có bất kỳ mặt hàng nào mà bạn có thể bán rất nhiều lần như vậy. Bạn có thể bán doanh nghiệp của mình theo rất nhiều hình thức khác nhau, từ nhượng quyền, cho đến bán một phần, bán hoàn toàn... Những điều này chỉ đến khi bạn coi trọng giá trị doanh nghiệp và lấy nó làm trọng tâm cho việc xây dựng doanh nghiệp của mình.


Hy vọng bài viết này cung cấp cho bạn thêm một góc nhìn về những gì sẽ sớm diễn ra trong tương lai.


Nếu cần thảo luận thêm điều gì với mình, hãy chủ động liên lạc với mình nhé.

248 views0 comments

Recent Posts

See All

Định giá doanh nghiệp của mình

Khi xây dựng một doanh nghiệp, cho dù chúng ta có muốn bán nó đi hoàn toàn hay chỉ bán một phần (gọi vốn, góp vốn chung, sát nhập,...

Comments


bottom of page