top of page

Làm thế nào để xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững?

Writer: COACH Leo Võ Thái LâmCOACH Leo Võ Thái Lâm

Khi xây dựng bất kỳ một doanh nghiệp nào, phần lớn chúng ta đều mong đợi doanh nghiệp của mình sẽ phát triển bền vững, thậm chí trường tồn theo thời gian. Thế nhưng, không phải ai trong chúng ta cũng biết đâu là những việc cần là để đạt được điều đó. Thậm chí, rất nhiều người chọn con đường phát triển nóng và ảnh hưởng rất lớn để sự phát triển, thậm chí tồn tại sau này.


Trong gần 10 năm qua, mình đã làm việc trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp và cũng nhìn ra được một vài chiến lược thực sự mỗi doanh nghiệp cần làm để tạo ra sự phát triển bền vững. Mời anh chị em cùng tham khảo để có thêm góc nhìn và đưa vào kế hoạch để bắt đầu thực hiện dần, cho dù là doanh nghiệp hoàn toàn mới hay doanh nghiệp lâu năm.


Làm rõ đích đến và con đường thành công của doanh nghiệp


Tất nhiên với những công ty khởi nghiệp sẽ có nhiều thách thức khi xác định ngay lâp tức con đường thành công của mình, vì những thứ chúng ta nghĩ và những thứ thị trường cần sẽ còn nhiều điều cần phải làm để có thể gặp nhau được.


Với những doanh nghiệp đã được hình thành rồi, việc xác định con đường thành công có thể sẽ đơn giản hơn vì sự thấu hiểu thị trường, kinh nghiệm đã kinh qua cho phép bạn gọi ra con đường thành công sẽ đơn giản hơn nhiều.


Dưới đây là những hạng mục mà bạn có thể làm ngay hoặc tìm một nhà huấn luyện để giúp bạn xác định càng rõ ràng, càng sớm càng tốt.


Xác định mục đích cốt lõi của doanh nghiệp


Có một cuốn sách của một nhà cải cách tôn giáo thế kỷ 15, trong đó ông kể một câu chuyện xảy ra từ khi ông còn nhỏ. Câu chuyện ấy đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông.


Ông kể rằng một ngày nọ ông đi qua một tòa nhà lớn đang xây dưới ánh mặt trời nóng đến rộp cả da, quanh đó là những người đàn ông đan bưng bê gạch đá, tất cả đều ước đẫm mồ hôi.


Ông đến hỏi: “Các anh đang làm gì thế?”, và ông nhận được ba câu trả lời…khác nhau.

Người thợ xây thứ nhất nói với một thái độ gắt gỏng: Ông không thấy đường à? Tôi đang cực khổ trét hồ để ốp từng viên gạch chứ còn làm gì nữa.


Người thợ xây thứ hai điềm tĩnh hơn, ông ta xếp các viên gạch thành một hàng ngay ngắn, lướt mắt nhìn chúng rồi nói: Tôi đang xây một bức tường đấy thôi.


Ông tiến đến hỏi người thợ xây thứ 3, dường như có một luồng ánh sáng nhẹ nhàng, phấn khởi trong mắt người đàn ông này khi ông đặt những viên gạch xuống, ngẩng đầu lên, lau mồ hôi và nói rất hãnh diện: “Ông hỏi tôi à? Chúng tôi đang xây một công trình vĩ đại, một nhà thờ đấy!”


Khi khởi sự một công việc kinh doanh, chúng ta chỉ tâp trung vào việc kiếm tiền, nhưng vô tình lại quên mất rằng đích đến của một doanh nghiệp là trao đi giá trị. Tiền chỉ là hệ quả tất yếu khi bạn trao đi giá trị đủ lớn cho cộng đồng.


Đã đến lúc phải xác định mục đích cốt lõi của doanh nghiệp này là gì? Doanh nghiệp này sinh ra để làm gì?


Mình có một khách hàng trong ngành dược, anh ấy đã làm hơn 10 năm trong nghề và vẫn dừng lại ở góc độ đi gia công thuốc và bỏ vào các bệnh viện. Khi tụi mình ngồi lại với nhau, anh ấy đã gọi ra được mục đích cốt lõi của doanh nghiệp là "Dành lại sự sống cho mọi người". Một mục đích rất truyền cảm hứng. Lý do là các thuốc mà anh ấy sản xuất là thuốc đặc trị và bán cho các bệnh nhân trong phòng ICU.


Ngay sau khi gọi ra, một bạn sale đã nói rằng lần đầu tiên em hiểu là em không đi bán thuốc. E đang đi giúp mọi người dành lại sự sống cho họ. Một luồng sinh khí hoàn toàn mới cho team.


Còn bạn, bạn đã sẵn sàng ngồi xuống để tìm mục đích cốt lõi của doanh nghiệp mình chưa?


Xác định giá trị cốt lõi


Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp có thể hiểu là những điều mà toàn bộ đội ngũ cần phải xem trọng về cách mà mọi người ứng xử với nhau, ứng xử với khách hàng, ứng xử với công việc.


Giá trị cốt lõi là nguyên tắc nền tảng để quy định hành vi của toàn bộ đội ngũ trong doanh nghiệp.


Thường thì giá trị cốt lõi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chủ doanh nghiệp và đội ngũ key persons và cả tính chất của ngành.


Một trong những bộ giá trị cốt lõi mà mình rất thích là của Zappos, tuy nó hơi dài chút :) . Thông thường chúng ta gọi ra khoảng 4-6 giá trị là vừa.


Chính các giá trị cốt lõi sẽ tạo nên văn hoá doanh nghiệp sau này.


Xây dựng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp


Một trong những cách tốt nhất để giúp cho người chủ doanh nghiệp lẫn đội ngũ cân bằng được giữa việc cho đi và nhận lại là trách nhiệm xã hội. Đây cũng là một hoạt động để giúp cho doanh nghiệp thể hiện vai trò của mình trong việc xây dựng một xã hội phát triển bền vững.


Mình có một số khác hàng xây dựng các chương trình xây trường cho các khu vực vùng sâu, vùng xa và nơi có nhiều người yếu thế. Một số khác xây dựng các chương trình trồng rừng...


Nếu trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp gắn với sản phẩm mà doanh nghiệp đang bán cũng là một cách rất hay để xây dựng thương hiệu.


Xây dựng trách nhiệm xã hội là cách rất hay để nâng cao sự tự hào, nâng cao sự gắn kết của đội ngũ.


Xác định mục tiêu thách thức và táo bạo - BHAG


Cứ mỗi 10-15 năm, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng một mục tiêu thách thức và táo bạo (BHAG- Big Hairy Audacious Goal).


BHAG có thể là một dự án đặc biệt mà doanh nghiệp muốn hoàn thành để tạo ra sự thay đổi quan trọng, cũng có thể là những mục tiêu doanh thu hay lợi nhuận.


BHAG như là một chất xúc tác.


Trong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn (Build to Last)” một so sánh về các công ty có tầm nhìn vẫn thành công rực rỡ trong nhiều thập kỷ, các tác giả nhận thấy hầu hết các công ty này đều có BHAG. Những mục tiêu đầy thách thức và táo bạo tập trung sự chú ý của mọi người vì chúng rất khác biệt và hấp dẫn.


Năm 1952, 80% hoạt động kinh doanh của BOEING đến từ một khách hàng - Không quân Hoa Kì. Các hãng hàng không Hoa Kỳ và Châu Âu tỏ ra ít quan tâm đến máy bay phản lực cho sử dụng cho mục đích thương mại.


Thương hiệu của BOEING là một nhà thầu quốc phòng. Trong mảng thương mại, BOEING là con số không tròn trĩnh.


BOEING đã có một quyết định táo bạo. Dồn toàn lực để phát triển máy bay phản lực cho mục tiêu thương mại. Dự kiến công ty sẽ mất ba lần lợi nhuận sau thuế trung bình hàng năm trong năm năm chỉ để phát triển mẫu.


Đến năm 1958, BOEING đã thành công với dự án và bán ra 1800 chiếc và vượt xa một đối thủ lớn, Douglas Airplane, trong việc đưa máy bay phản lực ra thị trường để trở thành số 1.


Xác định những năng lực lõi của doanh nghiệp


Năng lực cốt lõi là việc xác định các sản phẩm, dịch vụ, kỹ năng và khả năng mang lại lợi thế cho doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh. Nói cách khác, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là lợi thế cạnh tranh mà không đối thủ nào có thể cung cấp hoặc tái tạo một cách hợp lý.


Xác định năng lực cốt lõi là một chiến lược kinh doanh quan trọng để chứng minh giá trị của bạn với cả khách hàng mới và khách hàng lâu năm. Khi bạn biết năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, tốt hơn bạn có thể tạo dựng danh tiếng mạnh mẽ cho doanh nghiệp của mình, tiếp thị và phát triển doanh nghiệp bằng cách thu hút khách hàng mới.


3 đặc điểm chính của năng lực cốt lõi

  • Nó phải cung cấp giá trị vượt trội

  • Nó sẽ cung cấp khả năng tiếp cận nhiều loại thị trường.

  • Nó không nên dễ dàng sao chép hoặc bắt chước.

Dưới đây là một vài ví dụ về năng lực lõi của doanh nghiệp

  • Nhất quán với chất lượng cao

  • Dịch vụ khách hàng đỉnh cao, trải nghiệm xuất sắc

  • Khả năng truyền thông thông minh và đỉnh cao

  • Khả năng thấu hiểu khách hàng

  • Ứng dụng công nghệ tuyệt vời và đến từng khía cạnh nhỏ trong tổ chức

  • Kiểm soát hàng tồn kho tuyệt vời

  • Tạo ra nhóm khách hàng trung thành

  • Huấn luyện và đào tạo đội ngũ – Tổ chức học tập suốt đời

  • Đổi mới sáng tạo – học hỏi

  • Đổi mới sản phẩm liên tục


Luôn có một master plan được cập nhật liên tục


Thông thường cứ ba năm, bạn cần ngồi lại với đội ngũ để xác định đâu là mục tiêu và các ưu tiên cần phải làm trong 3 năm tới.


Các mục tiêu và ưu tiên sẽ được chia nhỏ xuống từng năm và chia xuống các bộ phận để thực hiện.

Mỗi năm đội ngũ cần ngồi để chia nhỏ mục tiêu xuống từng quý và cập nhật lại mục tiêu cũng như ưu tiên của 3 năm.


Mỗi quý, cả đội ngũ sẽ ngồi lại với nhau để chia nhỏ các ưu tiên và hành động xuống đến từng tuần cho cả team, cho từng cá nhân.


Có một master plan sẽ luôn giúp chúng ta có một tầm nhìn vừa đủ (không quá xa cũng không quá gần) để tối ưu hoá các nguồn lực và lựa chọn con đường tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.


Có một master plan cũng để bạn và đội ngũ chuẩn bị được các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển trong dài hạn.

Xây dựng văn hoá lấy con người làm trung tâm


Lấy con người làm trung tâm có nghĩa là luôn đặt con người làm trung tâm cho mọi hành động, mọi quyết định của doanh nghiệp. Văn hoá lấy con người làm trung tâm coi trọng yếu tố động lực của mỗi người khi thực thi hơn là chỉ tập trung vào việc yêu cầu họ làm gì. Yếu tố WHO (ai) và WHY (tại sao làm việc này) quan trọng hơn là WHAT (làm gì).


Xem trọng yếu tố con người và lấy con người làm trung tâm sẽ giúp cho:

  • Sự hài lòng trong công việc sẽ tăng lên

  • Tỉ lệ gắn kết cao hơn

  • Tỉ lệ nghỉ việc giảm xuống

  • Tỉ lệ vắng giảm xuống

  • Ít lỗi hơn

  • Dịch vụ sản phẩm có chất lượng tốt hơn

  • Lợi nhuận cao hơn

Đào tạo đội ngũ liên tục

Xây dựng một hệ thống đào tạo đội ngũ liên tục sẽ giúp cho doanh nghiệp luôn có được nguồn nhân sự kế thừa chất lượng cao. Chất lượng được hiểu là vừa phù hợp về năng lực, vừa phù hợp về văn hoá doanh nghiệp.


Việc đào tạo và huấn luyện đội ngũ nên được tập trung vào các khía cạnh:

  1. Đào tạo tư duy

  2. Năng lực chuyên môn

  3. Năng lực quản lý

  4. Năng lực lãnh đạo

    1. Thấu hiểu bản thân

    2. Quản lý bản thân

    3. Thấu cảm với đội ngũ

    4. Truyền cảm hứng và ảnh hưởng lên đội ngũ

    5. kỹ năng xây dựng đội nhóm

  5. Lập kế hoạch và chiến lược

  6. Năng lực thực thi


Xây dựng đội ngũ gắn kết - hiệu suất cao


Mỗi năm thế giới tiêu tốn hàng chục tỷ $ cho việc gắn kết đội ngũ. Đội ngũ thiếu gắn kết đang là nguyên nhân chính yếu dẫn tới hiệu suất của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang rất thấp.


Tỉ lệ nhân viên thực sự gắn kết ở khu vực Đông Nam Á hiện nay chỉ dừng ở 14%. Nếu doanh nghiệp là một con thuyền trên đó có 10 người, số người chèo thuyền đến đích chỉ là 1.4; số người không làm gì cả khoảng 5 đến 6 người và có khoảng 3-4 người đang chèo theo hướng ngược lại.


Một doanh nghiệp có tỉ lệ gắn kết cao thường có tỉ lệ lợi nhuận cao hơn 34% so với trung bình của toàn ngành.


Việc xây dựng một đội ngũ gắn kết - hiệu suất cao không khó, nó chỉ đòi hỏi sự kiên trì và làm lặp đi lặp lại của doanh nghiệp mà thôi.


Xây dựng hệ thống nền tảng của doanh nghiệp


Một yếu tố rất quan trọng nữa là xây dựng hệ thống cho doanh nghiệp. Không một doanh nghiệp nào có thể phát triển bền vững nếu không xây dựng hệ thống.


Bạn có thể sử dụng rất nhiều mô hình để xây dựng hệ thống cho một doanh nghiệp. Bản thân mình vẫn hay xài mô hình 6 steps của ActionCOACH. Bạn có thể xem mô hình đó ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=xZyqyllodVM&t=1s


Trên đây là một số chiến lược bạn có thể làm để tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Nếu bạn thực sự quan tâm tới chủ đề này, bạn có thể liên lạc với mình nhé. CHúng ta sẽ ngồi với nhau để xem lộ trình cho doanh nghiệp bạn là gì và có thể bắt đầu ở đâu.

Recent Posts

See All

Định giá doanh nghiệp của mình

Khi xây dựng một doanh nghiệp, cho dù chúng ta có muốn bán nó đi hoàn toàn hay chỉ bán một phần (gọi vốn, góp vốn chung, sát nhập,...

Comments


leovo@actioncoach.com

0939-86-06-86

  • COACH Leo on Linkedin
  • COACH Leo On facebook
  • TikTok
  • Youtube

©2023 By COACH Leo Võ Thái Lâm

CBD Building

90-92 Lê Thị Riêng, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM

Đăng ký nhận chia sẻ từ COACH Leo 

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

bottom of page