top of page
Writer's pictureCOACH Leo Võ Thái Lâm

Nguy cơ thất bại khi mở rộng quy mô doanh nghiệp

Updated: Mar 28, 2023

Mấy tuần nay mình đối mặt với những tình huống khá thú vị, một số khách hàng gặp hỗn loạn và thậm chí là sự căng thẳng khi đối mặt với những hỗn loạn từ bên trong họ và ở công ty.


Thú thật là ban đầu mình cũng có chút ngỡ ngàng xen lẫn bối rối vì chỉ vài tháng trước thôi, mọi thứ vẫn đang tiến triển khá tốt. Tuy nhiên, khi ngồi lại với các team, mình lại nhận ra những bài học rất thú vị, đó là họ đang đối mặt với những thách thức thực sự của việc mở rộng quy mô và tăng trưởng nhanh.


Đây cũng sẽ là một vấn đề với các doanh nghiệp đang xem xét việc sử dụng cơ chế vốn như là một đòn bẩy về tài chính. Bởi lẽ, với áp lực "trả KPI" cho các nhà đầu tư, chúng ta sẽ phải dùng tiền để mua KPI và làm cho nguy cơ vỡ trận sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Điểm chung của các team là trước giờ vẫn khá tốt, có team rất tốt. Nhưng khi bắt đầu tăng quy mô về doanh thu hoặc quy mô nhân sự hoặc mở rộng công việc là gặp ngay vấn đề. Thậm chí có team, vài năm rồi nhưng vẫn không thể vượt qua được một mức nhân sự nhất định. Cứ lên cao hơn là lại rớt xuống và làm lại từ đầu.


Theo Tech Nation, có khoảng từ 30%-40% các công ty đã thất bại khi có sự tăng trưởng rõ rệt so với trước đây. Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà con số này lại cao đến mức như vậy.


Với những quan sát của mình trên bản thân và khá nhiều khách hàng, mình muốn chia sẻ với mọi người một số nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thất bại khi tăng trưởng mà mình quan sát được.


Nguyên nhân số 1: Nhà lãnh đạo đã không có bất kỳ một sự chuẩn bị nào cho sự tăng trưởng.


Với hầu hết các công ty nhỏ, các chủ doanh nghiệp đều phải nỗ lực để bán hàng, để chăm sóc khách hàng, để tuyển dụng... và rất nhiều việc khác. Việc phải tập trung vào quá nhiều việc kèm theo đó là khả năng quản lý bản thân kém sẽ làm cho chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc mình cần phải chuẩn bị điều gì cho sự tăng trưởng trong tương lai.


Có rất nhiều thứ bạn sẽ phải chuẩn bị. Hệ thống các nhà cung cấp cũ có thể không đáp ứng được, trình độ của bản thân và của đội ngũ hiện tại có thể không đáp ứng được, các quy trình hiện tại sẽ trở nên lỗi thời khi số lượng người nhiều hơn, cần phải trao quyền nhiều hơn...


Việc không chuẩn bị các nguồn lực về cá nhân, về đội ngũ, về hệ thống cũng giống như mình không mặc quần trong một bãi biển đầy nước. Nhưng khi thủy triều rút đi (thị trường thay đổi, quy mô thay đổi, điều kiện thay đổi) toàn bộ sự thật sẽ được phơi bày.


Nguyên nhân số 2. Nhà lãnh đạo vẫn giữ nguyên thói quen và phong cách làm việc cũ


Khi quy mô công ty còn nhỏ, chỉ cần nhìn qua là chúng ta biết điều gì đang diễn ra và có thể can thiệp kịp thời. Chính vì sự tiện lợi của việc can thiệp ngay lập tức, khiến cho hầu hết mọi người đều bỏ qua việc hệ thống hóa mọi thứ, bỏ qua việc xây dựng các chuẩn mực và các quy trình để kiểm soát rủi ro.


Nhưng khi công ty lớn lên, chúng ta không còn đủ thời gian để sâu sát cho từng việc nữa, nếu không thay đổi theo hướng đào tạo nhiều hơn, trao quyền nhiều hơn, bạn sẽ gặp vấn đề. Bạn không còn có thể tác động đến từng việc, trong khi quy trình thì chưa có, đội ngũ chưa đủ giỏi, sự chững lại, thậm chí đi xuống gần như là chuyện tất yếu. Một số trường hợp tệ hơn, những rủi ro thất thoát tài sản, mất khách hàng.. có thể sẽ xảy ra.


Nếu bạn đã quen chỉ đạo và lớn tiếng từ bàn này sang bàn khác trong phòng làm việc của một cty nhỏ, không biết bạn sẽ phải chỉ đạo thế nào và hét to như thế nào để hai chi nhánh ở hai đầu thành phố có thể nghe được?


Những thói quen đã đưa chúng ta đến quy mô hiện tại, rất có thể sẽ không bao giờ, thậm chí là cản trở chúng ta đi đến quy mô cao hơn.


Nguyên nhân số 3. Sự lạc lối vì áp lực.


Những áp lực về việc phải tăng trưởng có thể khiến nhà lãnh đạo luôn tìm mọi cách để có sự tăng trưởng như kỳ vọng của bản thân và đội ngũ. Vô tình, chính những cách làm đó có thể không phải là cách làm bền vững nên càng ngày càng bị lạc lối và không biết phải làm gì tiếp theo. Lúc này người lãnh đạo như trong tình thế bị sẩy chân xuống hồ nước, nhưng rong rêu cứ bám chặt vào chân làm họ càng hoảng loạn và không còn nhìn ra sự thật nữa.


Một biểu hiện dễ thấy nhất là họ sẽ đổ lỗi cho cả thế giới. Đổ lỗi cho nhân viên, cho quản lý và đổ lỗi cho cả mẹ vợ ở nhà.


Nguyên nhân số 4. Sự chủ quan.


Có một số sự chủ quan mà mình quan sát được trong thời gian vừa rồi.

Có người thì chủ quan là tôi đã đủ giỏi, tôi đã nắm hết các cách để quản lý công ty và nhân sự rồi nên không cần học nữa.


Có người thì chủ quan là tôi đã xây dựng một đội ngũ rất gắn kết, rất "có văn hóa" nên dừng lại việc tiếp tục đào tạo, tiếp tục truyền thông và chia sẻ về văn hóa công ty. Kết quả là sau một thời gian sau thấy đội ngũ không như mình nghĩ, họ yếu kém, họ không có ý chí... Thực ra chúng ta đâu cho họ cơ hội để học hỏi từ từ và thích nghi đâu.


Một khi tăng trưởng, chắc chắn sẽ có rất nhiều sự thay đổi sẽ diễn ra. Với một nhà lãnh đạo, sự kiểm soát bản thân, luôn lắng nghe những góc nhìn mới với một thái độ không phán xét và liên tục phát triển bản thân, phát triển đội ngũ và phát triển nền tảng hệ thống cho doanh nghiệp là điều luôn phải giữ. Khi bạn giữ được điều này, an tâm là có thay đổi gì thì bạn cũng sẽ vượt qua thôi, mặc dù có thể hỗn loạn lúc mới giao thời một chút.


Nguyên nhân số 5. Doanh nghiệp và đội ngũ không theo kịp tốc độ tăng trưởng


Tăng trưởng là một loại thay đổi (change). Đã có sự thay đổi thì cần sự sẵn sàng và thích ứng của các đối tượng có liên quan. Các đối tượng chính ở đây là cấu trúc doanh nghiệp (bao gồm chính sách, quy trình, văn hóa, hệ thống công nghệ...) và đội ngũ.


Nếu các đối tượng này không được chuẩn bị để sẵn sàng mở rộng thì việc mở rộng sẽ là một thảm họa.


Bạn có biết tại sao một người nghèo trúng số sẽ dễ dàng mất toàn bộ số tiền mà họ có không? Vì năng lực quản lý tiền của họ chỉ ở mức hàng triệu đồng, nhưng đùng một cái họ có hàng tỉ thì đương nhiên họ sẽ không thể quản lý được và một cách tự nhiên (trong vô thức) họ sẽ làm mọi cách để số tiền quay lại với con số mà họ cảm thấy thoải mái nhất.


Bạn cứ tưởng tượng năng lực quản lý ở mức 1, nhưng quy mô lại đang cần ở mức 3 thì một cách tự nhiên, mọi người (bao gồm cả chủ DN) sẽ kéo doanh nghiệp xuống mức mà họ cảm thấy thoải mái thông qua các thói quen, năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề của họ.


Với một doanh nghiệp dùng tiền để mua KPIs, các quy định chưa đủ rõ ràng, các chính sách chưa đủ tốt, văn hóa chưa đủ mạnh mẽ sẽ là những thảm họa khi mua bán sát nhập. Đây cũng là bài toán đau đầu mà rất nhiều người đang vướng nhưng chưa giải được.


Cái khó nhất mà mình thấy cho tới giờ này không phải là giải pháp. Tụi mình có đủ giải pháp để cung cấp cho các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và đội ngũ. Cái khó nhất là sự kiên trì. Vì ai cũng muốn mở rộng quy mô nhưng không ai tính đến việc mở rộng một cách bền vững, nhất quán hoặc hiếm người đủ kiên trì để chuẩn bị cho việc đó.


Chúc mọi người luôn bình an trên hành trình của bản thân mình!

285 views0 comments

Recent Posts

See All

Định giá doanh nghiệp của mình

Khi xây dựng một doanh nghiệp, cho dù chúng ta có muốn bán nó đi hoàn toàn hay chỉ bán một phần (gọi vốn, góp vốn chung, sát nhập,...

Comments


bottom of page